Monday, June 6, 2016

Ba điểm yếu của khởi nghiệp Việt Nam

Nguyễn Đặng Tuấn Minh

Startup Green Leap (được IPP đầu tư) giới thiệu
sản phẩm cho khách hàng trong buổi Demo Day
của chương trình tăng tốc khởi nghiệp của IPP.
Ảnh: Ipp.vn
Khởi nghiệp trong kinh doanh đòi hỏi sự chuẩn bị về tinh thần, kiến thức và kỹ năng. Lựa chọn con đường kinh doanh để khởi nghiệp là lựa chọn một con đường gian khổ.

“Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng”, việc hiểu biết bản thân, những điểm mạnh cần khai thác và những điểm yếu cố hữu cần khắc phục ngay sẽ giúp khởi nghiệp Việt Nam có khả năng tiến xa hơn trên con đường kinh doanh nói chung. Nhiều lời khuyên các khởi nghiệp nên tập trung vào thế mạnh, nhưng có những điểm yếu không thể không khắc phục vì về lâu dài nó sẽ ảnh hưởng đến khả năng sống sót của doanh nghiệp. Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả qua những quan sát trong quá trình làm việc với doanh nghiệp khởi nghiệp.

Có quá nhiều ý tưởng

Khác với nhiều người rơi vào trạng thái bí ý tưởng, các nhóm khởi nghiệp, tôi tiếp xúc thường rơi vào trạng thái đối lập là có quá nhiều ý tưởng mà chưa biết bắt đầu từ đâu. Nếu bạn đặt câu hỏi là: bạn đang làm gì? thì không ít các khởi nghiệp sẽ kể ra không dưới ba ý tưởng đang có trong đầu và/hoặc đang triển khai. Các bạn thử rất nhiều, kinh doanh nhiều thứ khác nhau cùng một lúc, cho ra đời những thành công nho nhỏ, hoặc rất nhiều thất bại và đôi khi các doanh nghiệp khởi nghiệp dậm chân tại chỗ với một mớ ý tưởng.

Nhiều khởi nghiệp lại muốn nhắm vào tất cả khách hàng trên thị trường. Không khó để nhận ra, trên website của nhiều bạn khởi nghiệp, ví dụ, phần mềm quản lý khách hàng, thiếu một câu chuyện tập trung cho một đối tượng khách hàng cụ thể. Các bạn nghĩ rằng mình có thể bao phủ toàn bộ thị trường, đưa ra thật nhiều sản phẩm dịch vụ và có thể thực hiện để phục vụ nhu cầu rộng khắp của các khách hàng. Tuy vậy, hãy coi trọng chất lượng hơn số lượng, hãy tập trung vào thế mạnh lớn nhất của bạn hoặc thứ mà thị trường đang thiếu thốn nhất. Cơ hội thành công chỉ đến với những người thực sự vượt trội. Mà muốn có sự vượt trội, bạn phải đầu tư thời gian, công sức và sự tập trung toàn bộ nguồn lực vào một thứ mà thôi.

Một biểu hiện khác là sự thử nghiệm quá nhiều thứ một lúc nhưng không tập trung và phân tích thế mạnh của mình. Nhiều bạn khởi nghiệp dựa trên quan sát những nhu cầu “hot” trên thị trường. Vì đuổi theo hết trào lưu này sang trào lưu khác mà thiếu cân nhắc đến thế mạnh và nguồn lực của mình, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ dừng lại ở việc tồn tại, không thể tập trung ở một mảng thị trường cụ thể và khai thác một công việc kinh doanh rõ ràng để khiến nó phát triển.

Việc có quá nhiều ý tưởng là một điểm yếu lớn bởi lẽ, khi có quá nhiều ý tưởng, nguồn lực triển khai thường bị phân tán và khó đạt được hiệu quả cao nhất. Mặt khác, việc phân tán cho nhiều ý tưởng thường khiến các nhóm khởi nghiệp có nguy cơ tan rã sớm do mâu thuẫn về tầm nhìn và tập trung nguồn lực cả đội. Nguyên nhân của việc có nhiều ý tưởng thì có nhiều, nhưng mặt trái của nó về lãng phí thời gian và chi phí cơ hội thì không phải doanh nghiệp khởi nghiệp nào cũng nhận ra.

Để khắc phục, cách quan trọng là phải có tiêu chí lựa chọn ý tưởng, ưu tiên những ý tưởng mang tính khả thi, có khả năng tiến xa và đặc biệt phù hợp với đam mê và năng lực của cả nhóm. Công thức chung cho việc phân loại, sắp xếp thứ tự ưu tiên và tập trung chính là cách để một khởi nghiệp tìm được tiếng nói đồng thuận, tầm nhìn của cả đội.

Tiếng Anh giao tiếp kém 

Nhiều nhà đầu tư tiềm năng nước ngoài gặp khó khăn trong giao tiếp và hiểu các doanh nghiệp khởi nghiệp về sản phẩm, dịch vụ của họ. Rào cản lớn nhất đó chính là tiếng Anh. Các doanh nhân khởi nghiệp đang đánh mất cơ hội của mình trước các khởi nghiệp nước ngoài do khả năng ngôn ngữ kém, khả năng biểu đạt ý tưởng kém và thiếu sự tự tin cần thiết khi giao tiếp bằng ngôn ngữ nước ngoài. Trong bối cảnh hội nhập khu vực và thế giới, việc thiếu kỹ năng cơ bản này đang hạn chế rất nhiều cơ hội tiếp cận các nhà đầu tư nước ngoài, giảm năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp. Nhiều người hoạt động trong lĩnh vực khởi nghiệp có chung nhận định rằng, việc không tự vượt qua rào cản ngôn ngữ thể hiện sức ì rất lớn trong tâm lý của các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam. Nó cũng thể hiện sự thiếu sẵn sàng cho khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Khởi nghiệp Việt Nam sẽ không thể ra khỏi ao làng nếu tình trạng tiếng Anh vẫn còn ở mức dừng lại vài câu chuyện, xin chào, tạm biệt và chỉ bất lực sử dụng ngôn ngữ hình thể và vốn tiếng Anh hạn hẹp để mô tả sản phẩm, dịch vụ của mình.

Việc cải thiện trình độ tiếng Anh, khả năng giao tiếp, phát âm không phải quá khó. Tất cả bắt đầu từ tư duy và tầm nhìn để hội nhập. Có một câu chuyện của nhóm trẻ khởi nghiệp tôi biết thực sự đáng suy nghĩ. Khi xác định nhất định phải phát triển một ứng dụng hỗ trợ những người bán hàng trực tuyến bằng tiếng Anh, CEO của công ty đã quyết định bắt cả đội học tiếng Anh thật tốt song song với việc phát triển ứng dụng về mặt công nghệ. Không một nhà đầu tư hay đối tác nào nghi ngờ về tầm nhìn toàn cầu của bạn nếu bạn đang sở hữu một đội ngũ tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh với họ. Thực tế đã chứng minh, những nhóm khởi nghiệp của Việt Nam bắt đầu xây dựng một chút tiếng tăm hay thành công trên thị trường quốc tế đều là những nhóm sở hữu những nhân viên có trình độ tiếng Anh tốt.

Thiếu và yếu kiến thức nền tảng

Sự thiếu hiểu biết của startup về những vấn đề có liên quan đến kinh doanh chuyên nghiệp cũng là một cản trở đến sự thành công của các khởi nghiệp. Trong đó có hiểu biết về tài chính, luật pháp và thị trường.

Họ thiếu hiểu biết về tài chính trong khi các nhà đầu tư cần con số về tiềm năng công việc kinh doanh một cách thực tiễn để có thể ra những quyết định trên khoản tiền đầu tư của họ. Họ thiếu hiểu biết nên vướng vào nhiều vấn đề như thiếu cân nhắc về loại hình công ty khi thành lập, không bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ. Họ thiếu hiểu biết về thị trường, các con số về đối thủ cạnh tranh, khách hàng tiềm năng. Cuộc chơi vốn thuộc về những người hiểu nhu cầu thị trường khiến không ít khởi nghiệp Việt Nam mất hẳn lợi thế cạnh tranh so với startup ngoại vốn tìm hiểu thị trường rất kỹ trước khi bắt đầu ngay cả khi họ kinh doanh trên thị trường Việt Nam.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt này, trong đó không thể không kể đến nguyên nhân khách quan là lỗi của hệ thống giáo dục. Tuy vậy, trước khi thực sự chờ đợi những thay đổi mang tính căn bản, các khởi nghiệp phải tự cứu lấy mình, tự trang bị cho mình kiến thức cần thiết để chủ động sống sót và tồn tại bền vững.

CEO của Google và rất nhiều chuyên gia khởi nghiệp trên thế giới có chung nhận định và lời khuyên dành cho các startup Việt Nam là hãy chiếm lĩnh thị trường nội địa trước khi vươn ra thế giới. Tuy vậy, nếu nhìn lại với điểm yếu là thường thiếu thông số thị trường, thiếu cái nhìn tổng quan, thiếu ý thức về việc phải nghiên cứu thông số thị trường trước khi bắt đầu, các khởi nghiệp Việt Nam khó có thể chiếm lĩnh thị trường nhà. Với điểm yếu ngôn ngữ và kiến thức nền tảng, việc vươn ra thị trường nước ngoài càng trở nên khó khăn. Nếu không có những đột phá về sản phẩm mũi nhọn, ngôn ngữ và kiến thức nền tảng, khởi nghiệp Việt Nam sẽ không thực sự sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng trên sân nhà và tìm những cơ hội lớn hơn trên sân chơi quốc tế.

No comments:

Post a Comment